Bài mới nhất

ĐỪNG BẠC ĐÃI MÌNH – ĐỪNG TRAO TẶNG NGƯỜI

ĐỪNG BẠC ĐÃI MÌNH – ĐỪNG TRAO TẶNG NGƯỜI


Con người có thói quen rất kỳ lạ: luôn giữ lại thứ tốt nhất cho người khác trước bản thân mình. Dù có công nhận điều đó hay không thì chúng ta vẫn đang thực hiện điều đó hàng ngày. Những khó chịu, đau khổ hay hiểu nhầm thường đến từ “những thứ tốt nhất” mà chúng ta cho đi hàng ngày.
Bạc đãi mình là thói quen khá “kinh khủng” mà nhiều người đang mắc phải. Không chỉ bạc đãi bản thân về vật chất mà chúng ta còn tự bạc đãi về mặt tinh thần. Mỗi người chỉ có một khái niệm “tốt nhất”, nhưng chúng ta hiếm khi dùng thứ tốt nhất ấy cho chính mình. Chúng ta bị tác động bởi nhiều thứ, những ánh mắt của người ngoài, những lời khen ngợi vô nghĩa, những câu khích lệ làm chúng ta phải gồng lên và tự bạc đãi mình.
Ngày còn bé tôi cực kỳ thích chơi búp bê. Sinh nhật 7 tuổi, mẹ mua tặng tôi một cô búp bê nhựa tóc vàng với những khớp tay chân có thể gập được. Trong hộp búp bê còn kèm theo vài mảnh vải vụn để may thêm những bộ quần áo đáng yêu cho cô búp bê xinh đẹp. Ngay lập tức, tôi chia sẻ con búp bê ấy với một cô em chung xóm rất thân thiết. Sau ba ngày, những mảnh vải vụn tôi cẩn thận may vá thành những bộ cánh tinh tươm đã biến thành vải nát. Còn cô búp bê của tôi thì mất một chiếc giày, gãy một cánh tay. Tôi nhớ lúc ấy mình đã khóc, còn mẹ bảo tôi rằng: “em còn nhỏ đừng trách em”. Có lẽ lúc ấy tôi nghe lời mẹ, tôi đã tự bạc đãi chính mình trong tâm lý, giấu không cho mình được thể hiện cảm xúc ấm ức hay khổ sở chỉ vì mẹ bảo: đừng ích kỷ thế con.
Tôi nghĩ năm bảy tuổi tôi đã rất ấm ức và bực mình vì món đồ chơi yêu thích bị phá hỏng. Nhưng sự giáo dục, thói quen “vì người khác” “vì sự hòa thuận” đã khiến tôi phải nuốt những ấm ức ấy vào trong.
Hồi còn là sinh viên đại học, tôi có một cô bạn khá thân. Cô ấy có thói quen giúp đỡ người khác trong mọi việc. Điều này không sao cả, có rất nhiều người cảm thấy thoải mái vì được giúp đỡ người khác, nhưng trong trường hợp của cô bạn này thì không đúng. Bạn ấy giúp đỡ người khác nhiều đến mức bỏ qua những nhu cầu và vấn đề của bản thân. Những nhu cầu bị bỏ qua dồn nén lại, tạo thành tâm trạng ấm ức mỗi khi phải hỗ trợ ai đó. Một ngày bạn trở nên im lặng, trầm cảm, gắt gỏng với cả thế giới mỗi khi bị ai đó bắt chuyện.
Tôi nghĩ bạn tôi đã có khoảng thời gian dài khó chịu với việc luôn phải hỗ trợ người khác từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ. Nhưng sự khó chịu ấy đã bị chôn đi, lâu dần bạn bị sang chấn tâm lý vì thói quen vì người khác của chính mình. Chúng ta cứ nghĩ mình đang cho người khác điều tốt nhất, nhưng không biết cho người khác điều mình cho rằng tốt đẹp cũng chính là tước mất những điều tốt đẹp mà mình được sở hữu. Lâu dần sẽ thành thói quen tự bạc đãi, và chúng ta cố khoác lên thói quen ấy một lớp áo mĩ miều mang tên: vì người khác.
Lúc đi làm tôi lại thân với một chị đồng nghiệp. Chị xinh, giỏi, tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt rất yêu chồng. Ngôi nhà của chị luôn tươm tất và thơm phức. Người đàn ông của chị luôn chỉn chu từ cọng tóc đến nếp gấu quần. Một ngày chị nói: chị sắp ly hôn. Nguyên nhân chẳng có gì to tát: anh vô tâm. Suốt ba năm kết hôn, ngôi nhà do một mình chị thu vén, những chỉn chu người ngoài nhìn vào do chị cố công xếp đặt. Thời gian dài cố gắng khiến chị mệt, và chị gục ngã. Chị nói rằng: đôi lúc tao chỉ muốn nằm ườn ra sau giờ tan tầm. Chúng ta thường hay như thế, tự đặt ra những giới hạn tốt đẹp rồi nhường sự tốt đẹp ấy cho người khác.
Tôi nghĩ người chị đồng nghiệp kia đã rất nhiều lần muốn được xuề xòa, muốn được cau có. Nhưng ánh mắt tôn sùng của người xung quanh khiến chị cứ phải gồng lên để duy trì sự hoàn mỹ, cho đến một ngày không thể duy trì được nữa.
Bạn nhịn bữa sáng để có thể mua tặng chồng một đôi giày da vào ngày sinh nhật? Bạn làm việc mỗi ngày mười sáu tiếng để có thể đưa vợ con đi du lịch vào dịp lễ sắp tới? Bạn nghe lời mẹ từ bỏ đam mê văn chương để đi làm một nhân viên hành chính văn phòng? Hay bạn đang cố gắng một điều gì khác nữa vì người khác chứ không phải vì chính mình?
Cha mẹ thường giữ lại thứ mình cho rằng tốt nhất cho con. Vợ chồng thường trao đi cách quan tâm mà mình cho rằng đó là tốt nhất cho đối phương. Con cái thường mua sắm cho cha mẹ những thứ mà mình nghĩ rằng cha mẹ sẽ thích. Và những tổn thương bắt đầu từ đây.
Những thứ chúng ta cho rằng tốt nhất chưa hẳn đã tốt đối với người nhận. Khi chúng ta cho đi thứ tốt nhất rồi mà người nhận thờ ơ ta dễ rơi vào trạng thái buồn bực hoặc phẫn nộ vì đối phương không nhận lấy sự tốt đẹp ấy. Quy chuẩn tốt nhất của mỗi người là khác nhau, người nhận chắc gì đã thấy thứ mình đang cho là thứ tốt?
Ích kỷ là một từ mang nghĩa xấu. Nhưng trong vài trường hợp ích kỷ thì tốt hơn là vị tha hay cao thượng. Ích kỷ để giữ lại thứ tốt nhất cho mình và không đẩy người khác trở thành kẻ vô ơn. Ích kỷ để thôi tự bạc đãi chính mình, để cuộc đời của mình ngọt ngào trước khi cố biến cuộc sống của người khác thành màu hồng. Thôi tự bạc đãi đi bạn ạ, có thể bạn mới là người cần những thứ bạn đang cố cho đi.

Không có nhận xét nào

Cảm ơn bạn đã để lại bình luận ^^!