Bài mới nhất

GỬI NHỮNG AI LUÔN MƠ ƯỚC CÓ MỘT CUỘC ĐỜI "KHÔNG - BỊ - SÂN - SI"


Hôm nọ, trong một cuộc trò chuyện sau lâu ngày không gặp mặt. Như thường lệ, tôi và những người bạn của mình thường trò chuyện về những thay đổi trong cuộc sống của chúng tôi. Chuyện ở giảng đường, chuyện ở cơ quan, chuyện sau này, làm gì và trở thành ai.

Bất giác có một cô bạn thở dài với tôi rằng, cô ấy muốn sau này có thể làm việc ở một nơi không quá nhiều sân si, tị hiềm. Đồng nghiệp thuận hòa, không cạnh tranh. Thế là trong đầu chúng tôi hiện ra hàng tá những đáp án khác nhau. Ở đâu không có sân si ? Ngành nghề nào mà con người ta không ganh đua với nhau? Môi trường nào mà tất cả mọi người đều ôn hòa cùng nhau phát triển?

Tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã từng hình dung trong trí tưởng tượng của bản thân về một tương lai gần. Làm gì? Với ai và có cuộc sống như thế nào. Trong hằng sa số những người trẻ có hoài bão dời núi lấp bể, trở thành người có địa vị trong xã hội. Vẫn có những người luôn tin rằng đích đến thực sự của cuộc đời họ là sự bình yên, cuộc sống ngày ngày trôi đi bình lặng, không ganh ghét tranh đua với ai.

Tôi và cũng có thể là bạn, tất thảy đều đã từng nghĩ trên đời này nhất định sẽ có những môi trường mà con người ta đủ nhận thức và sự thông tuệ để không ganh ghét lẫn nhau.

Nhìn người ta ngồi trầm tư đọc sách. Ta đinh ninh rằng chắc chắc những người đọc sách trong lòng sẽ sạch sẽ không sân si. Thế nhưng thử ngồi trong một diễn đàn sách nào đó xem, ngày ngày vẫn có những tranh cãi diễn ra giữa người đọc với nhau. Có người chỉ đơn thuần bình luận ủng hộ, có người lại phản biện một chút theo quan điểm cá nhân, nhưng cũng có những người sẵn sàng mạt sát đến cùng những ai không có chung quan điểm với họ.Điều này nghe có vẻ vô lí, nhưng có thật.

Tất cả có lẽ sinh ra từ việc con người ta càng lĩnh hội nhiều thứ thì cái tôi càng lớn, lúc nào cũng thấy quan điểm của người khác là sai, là kém uyên bác hơn mình.

Thế là chúng tôi lại nghĩ đến những đáp án khác. Làm giáo viên hay nhân viên văn phòng nhỉ? Nghe nói những nghề này nhàn nhã và bình yên lắm. Thế nhưng cứ thử hỏi những người trong cuộc mà xem. Thời đi học, có những thầy cô giáo sẵn sàng đì học trò nếu bạn nào dám học thêm thầy cô khác bên ngoài mà không học lớp của họ.

Môi trường công sở tuy kín kẽ, người này ngồi sát người kia, ngày ngày chuyện trò thân mật lắm. Thế nhưng, chắc chắn khi trong cùng một tổ chức lại có người thăng tiến nhanh, được trọng dụng...Vô tình sẽ trở thành đối tượng bị đồng nghiệp ganh ghét, tìm cách nói xấu sau lưng.

Hay là về nhà làm vườn, trồng quả, ngày ngày lao động nhẹ nhàng, tối tối nằm "chill"...Chà, mới tưởng tượng thôi đã thấy mát lòng mát dạ.

Nói đến đây, tôi bỗng giật mình nhớ lại những năm tháng ở quê. Bố mẹ tôi khi đó lấy nghề nông làm gốc, quanh năm trồng trọt chăn nuôi. Cuộc sống cứ tưởng bình an, thế nhưng cho dù không phải ganh đua với ai đi chăng nữa, sự trồi sụt bất thường của mớ rau, cân thịt khiến cuộc sống của cả nhà vô cùng chật vật. Khi bọn trẻ con lớn lên, chúng cần được đi học, cần đóng học phí, mua xe đạp và đầu tư nhiều hơn cho tương lai. Vấn đề tài chính không còn đơn thuần có thể giải quyết bằng cách bán heo, bán bò trong nhà nữa.

Người trẻ thời này luôn mơ mộng được về quê " nuôi cá & trồng rau", thế nhưng nếu chỉ đơn thuần là đào cái ao bé bé, trồng vài luống rau xinh xinh. Và rồi sống cả đời an yên nhứ thế, tuyệt nhiên không suy tính làm thế nào để phát triển kinh tế...Thực ra vẫn có thể được thôi. Thế nhưng nếu cuộc sống chỉ có thế qua hàng chục năm, khi bạn sinh con và có gia đình, khi những người thân trong nhà gặp biến cố. Mọi thứ lúc này vốn dĩ đã không thể chỉ được giải quyết bằng vài con cá & dăm ba mớ rau nữa rồi.

Thực ra nơi nào mà chẳng có sự ganh đua, từ thời còn ngồi mài mông trên giảng đường, đã có biết bao lứa sinh viên sẵn sàng chọi nhau bằng mọi cách để đạt được điều mình muốn. Huống gì càng lớn, mỗi thứ ta làm đều là lao động, mỗi thứ ta cày cuốc đều là để kiếm kế sinh nhai.

Từ "sân si" dạo này được sử dụng ngày một phổ biến hơn. Người ta thường hiểu sân si là một từ bị động, bị ai đó sân si. Nhưng thực ra, sân si còn là câu chuyện của chính mỗi con người chúng ta, trong chính suy nghĩ của mỗi chúng ta.
Cho dù không "bị" ai sân si, nhưng chính cuộc sống cũng sẽ bắt mình phải suy tính đủ đường để có thể tự cứu lấy cuộc đời của chính mình.

Càng ôm mộng về một cuộc sống không "bị" sân si, thì con người ta càng trở nên thất vọng mà thôi.

Và rất rất nhiều người trẻ trong số chúng ta cũng thế - luôn mơ mộng về một tương lai không ganh ghét, tị hiềm. Thực ra còn cách nào khác hơn là lặng lẽ sống tốt phần mình, làm việc mình có thế làm, nỗ lực theo đuổi điều mình mong muốn.

Nếu không thể cùng cộng sinh & phát triển.
Còn lại, mặc kệ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

Không có nhận xét nào

Cảm ơn bạn đã để lại bình luận ^^!