Bài mới nhất

Buồn chán? Không cần lo!!

Buồn chán? Không cần lo!!

Một buổi sáng đẹp trời, sếp tôi bước vào phòng tôi với một quả mặt không thể nghiêm trọng hơn, vỗ bộp tay xuống bàn tôi một phát, ổng kết luận:

- Đã 2 tháng rồi doanh số bên bộ phận em chả có bao nhiêu thay đổi cả!

Với lối suy nghĩ của một thằng đang vật vờ đâu đó giữa say cà phê và buồn ngủ, tôi nghĩ thầm, bố khỉ, trong những ngày tháng bão táp rít gào như bây giờ thì giữ được sự Không Thay Đổi méo phải là một thứ gì đó ngon lành à?

Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn vâng dạ và tức tốc gửi cho ổng một cái mail đính kèm một cục word lộn tùng phèo gồm phân tích tình hình, nghiên cứu rút kinh nghiệm và đề xuất phương hướng.

Dường như thế là chưa đủ, sếp tôi ban hành một đạo luật: từ hôm ấy đến tương lai dương vô cực, mỗi sáng lũ leader chúng tôi phải vào phòng họp điểm danh 30p. Trong cuộc họp, mỗi lần tôi nói ngày hôm nay vẫn bình thường như những ngày hôm khác là mỗi lần mặt mũi sếp tôi đen hơn một tí.

- Ít ra thì cũng phải có gì đó khác biệt chứ? - ổng bảo.

Mọi thứ chỉ đỡ bất lực hơn khi tôi liều mạng nói với ổng:

- Thưa sếp, chúng ta đang tốn thời gian vô ích.

Nói xấu sếp thì có hơi bựa một tí. Sếp tôi cơ bản là một ông sếp xịn không quỵt lương và ép buộc nhân viên, nhưng dù xịn thế thì ổng vẫn trở thành tín đồ của tà giáo lớn nhất thế giới: giáo phái Cần có thứ gì đó khác đi.

Thứ gì cũng được.

Ngày hôm nay, cuộc sống đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, tất cả mọi người xung quanh ta đều luôn sẵn sàng để kể một câu chuyện mới tinh và hay ho. Theo đó, chúng ta cũng cần liên tục thay đổi để có một ảo tưởng rằng ta đang sống có ích, như mọi người. Vì vậy, mọi thứ đều thứ bình thường như những ngày khác có nghĩa là không có gì thay đổi, là mọi thứ đều buồn tẻ. Và sự buồn tẻ thì thật là kinh khủng.

Tâm trí chúng ta luôn liều mạng so sánh mọi thứ với nhau để tìm ra một bên thua cuộc. Đám bạn bè thì ngày ngày đều đặn post một "thứ gì đó mới" lên insta, nhìn lại cuộc đời ta, thật là buồn tẻ, ngày hôm nay vẫn như ngày hôm qua. Trên báo, câu chuyện về những danh nhân luôn có một điểm chung là tồn tại một bước ngoặt đổi đời trong một ngày đặc biệt, so sánh với đời ta, một ngày như mọi ngày. Buồn tẻ lúc này nghĩa là tầm thường, là thất bại.

Dù không muốn, nhưng mỗi lần vô thức so sánh là mỗi lần ta khắc sâu thêm nhận thức về cuộc đời tầm thường của mình. Ta càng thêm sợ sự buồn tẻ.

Thằng em tôi cũng là một nạn nhân xấu số của nỗi sợ sự buồn chán. Mỗi lần cảm thấy tẻ nhạt, nó lại tìm đủ mọi cách để đời nó đỡ nhạt hơn: trà sữa, cà phê, hoặc du lịch. Nó buồn chán và sợ sự buồn chán đến mức có những tháng lương gần chục củ đã ra đi chỉ sau khoảng chục ngày.

- Cuối cùng thì mày bị làm sao vậy? - Tôi hỏi nó.

- Em không biết. Nhưng mọi thứ quanh em tẻ nhạt quá. Phải có gì đó xảy ra chứ? Một cốc trà sữa kiểu mới? Thậm chí là bị giật mất điện thoại, cũng được? - Nó trả lời tôi, tôi nhìn nó đầy ái ngại.

Tôi không phải ngoại lệ. Có một thời gian, tôi ám ảnh với sự buồn tẻ đến mức không thể chịu nổi khi facebook không có tin gì mới. Tôi viết bài và đăng ảnh điên cuồng chỉ để giữ cho facebook của mình luôn có 2 3 cái thông báo. Cứ khoảng mươi phút tôi lại vào facebook một lần và lập tức cảm thấy thỏa mãn khi có thông báo mới.

Giả sử không biết tôi là ai, cũng không biết sếp tôi và thằng em tôi là những vị nào thì bạn vẫn có thể dễ dàng tìm ra vô số nạn nhân của nỗi sợ sự buồn tẻ ở khắp mọi nơi xung quanh mình.

Mấy đứa bạn mà chỉ cần để nó ngồi chơi không làm gì một lúc là thế nào mọi thứ xung quanh cũng tan hoang: tờ giấy trắng bị di đầy nét bút bi nghuệch ngoạc, cái túi nilon bị xé ra thành từng sợi, chậu cây bị vặt trụi lá, chúng nó thà phá hoại một cách thiểu năng còn hơn là ngồi yên mười phút.

Những con người đang chờ đợi ai đó dưới sảnh các tòa nhà thường liên tục đi qua đi lại bởi vì họ không thể đứng im một chỗ được và buộc phải làm một thứ gì đó giết thời gian cho đỡ buồn chán.

Các thanh niên đi xe máy tranh thủ 90s đèn đỏ để...lướt mạng bằng điện thoại.

Hoặc, những vị đồng nghiệp đã quen du lịch luôn luôn phát điên lên nếu phải ở yên trong nhà vài ngày. Họ nhất định phải xách balo lên và đi để rồi khi về lại thấy buồn tẻ và trống rỗng tiếp.

Những anh bạn mê phân khối lớn luôn phải thay mới hoặc độ lại con xe mà các anh yêu như người yêu.

Buồn tẻ đã trở thành một dịch bệnh và tất cả chúng ta thì tìm mọi cách để thoát khỏi nó. Bố mẹ bày ra một núi đồ chơi và mở cả đống video hài nhảm để dỗ dành đám trẻ con, họ dạy ta lấp đầy mọi thứ khi cần tránh đi sự buồn tẻ. Lớn lên, khi nhận thức được buồn tẻ là một điều khủng khiếp thì ta chỉ biết có một cách duy nhất để thoát khỏi nó là lấp đầy.

Ta cố gắng lấp đầy mọi khoảng trống dài như vài ngày hoặc ngắn đến vài giây, ta nhét vào đời ta vô vàn món ly kỳ chưa rõ có ích gì hay không. Bằng mọi giá, ta quyết tâm đẩy sự buồn tẻ cút xa khỏi cuộc đời mình.

Tôi từng không thể chịu nổi chỉ 30s buồn chán khi bước từ giường vào wc, đến mức đi được nửa đường phải quay lại vớ lấy cái điện thoại theo cùng. Vừa đi vừa vô thức tìm kiếm gì đó hay ho trên mạng.

Dù khá khó khăn, hãy thừa nhận là bạn cũng vậy đi.

Thừa nhận với tôi đi, rằng càng nhồi nhét bản thân cho căng chặt thì những khoảng trống vô cùng nhỏ còn lại càng trở nên rõ ràng và càng khiến bạn khủng hoảng: khi không còn gì để tránh đi sự buồn tẻ nữa, chỉ còn lại mỗi chúng ta với chính mình, ta hoảng loạn và không biết phải hành xử như thế nào.

Ở lần thứ 1000 trong ngày check thông báo facebook và phát rồ lên vì không có gì mới mẻ, tôi đã phải ngừng lại và tự hỏi: mình đang làm cái quái gì với cuộc đời mình vậy?
Phải, chúng ta đang làm cái đếch gì với thế giới này vậy? Thế giới hôm nay đang biến chúng ta thành những kẻ làm sao thế này?

Lấp đầy rõ ràng là một phương pháp phản tác dụng. Cả đám chúng ta đều đang chứng minh điều đó mỗi ngày.

Nhưng, nếu không làm thế thì phải làm sao bây giờ?

Cuộc đời luôn buồn chán là một cuộc đời gần như vô nghĩa, không tính tới chuyện ta đã quá quen với việc lấp kín mọi khoảng trống, đến khi già rồi, biết lấy cái gì trong những chuỗi ngày tẻ nhạt để mà kể cho con cháu nghe đây?

Cuộc sống luôn sôi động đến mức không có thời gian để đối diện với chính mình và tiêu hóa những trải nghiệm thì lại khiến người ta ngạt thở, trơ lỳ và khủng hoảng, dù có đi du lịch khắp thế giới cũng không tránh được sự nông cạn. Ta ngạt thở tới mức chả làm được gì thêm nữa. Cuối cùng, phương trình cuộc đời ta vẫn quay về với đáp số là tầm thường. Giống như video giải trí mà đặc sắc từ đầu đến cuối thì không phải một video hay mà là một tội ác. Nó chỉ khiến đầu óc con người ta căng cứng lên.

Mức lý tưởng nằm ở đâu đó trong khoảng giữa.

Tôi thường nói vui với đồng nghiệp rằng một video tổng hợp hay là một video 3 phần đặc sắc 7 phần nhạt toẹt. 7 phần nhạt làm nền và nâng đỡ khiến 3 phần hay trở nên sâu sắc hơn.

Chẳng phải vô lý khi Rừng thông - một kiệt tác của Hasegawa Tohaku lại chỉ vẽ có vài ba cây thông mà không phải là một nghìn cây thông hay là giữ nguyên một tờ giấy trắng.

Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Cần có sự sôi nổi vừa đủ và sự buồn tẻ cũng ở tầm vừa đủ.

Nói một cách văn hoa thì sự buồn tẻ nuôi dưỡng những điều lớn lao giống cái cách khoảng trống trong tranh làm nổi bật những cây thông vậy.

Nhưng - lại nhưng, nỗi buồn đáng sợ đến như thế, ta phải làm sao để đối mặt với nó đây?

Nếu có ai đó đưa smartphone cho Michelangelo thì bây giờ chúng ta đã không có bức họa khổng lồ nào trên mái vòm nhà nguyện Sistine. Nếu rơi trúng đầu Newton không phải một quả táo mà là một cái máy chơi game thì có lẽ chúng ta chẳng có gì ngoài một game thủ. Trong cuộc đời của những vĩ nhân, sự buồn tẻ kinh khủng là điều cần phải có để tạo ra những tác phẩm kinh điển.

Giống như luôn sôi nổi với cuộc đời được lấp kín thật ra là một điều tệ hại. Sự buồn tẻ, thật ra, thường không phải một thứ gì đó không thể chấp nhận được.

Rất nhiều sáng tạo tuyệt vời đều chỉ xuất hiện khi ta cho phép bản thân mình được buồn tẻ.

Đầu óc chẳng bao giờ chịu ngừng hoạt động. Nếu ta không nhét thứ gì đó vào để nó ngấu nghiến, nó sẽ đành phải suy nghĩ về những điều khác đi. Bài viết đang gõ dở, truyện ngắn đang xây dựng, ước mơ... Bằng cách ngấu nghiến những thứ suy nghĩ đó, nó tạo ra những ý tưởng kỳ diệu.

Dù không có phát minh hay sáng tạo, khi có thời gian trống không làm gì cả, ta có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu làm quen với chính mình hơn. Sự buồn tẻ, dù rất đáng sợ, lại là điều vô cùng cần thiết với con người.

Trước khi thử bất cứ thứ gì để tập làm quen với cuộc đời có nhiều buồn chán, ta phải đạp đổ định kiến lâu nay về sự buồn tẻ cái đã. Nó, trên thực tế, không đại diện cho sự vô nghĩa hay những tầm thường và thất bại của chúng ta.

Vậy tại sao những kẻ sống một cuộc đời buồn tẻ lại thường là những kẻ tầm thường?

Tôi cho rằng vấn đề chưa bao giờ nằm ở sự buồn tẻ. Nó nằm ở việc chúng ta không bao giờ dám nhận lỗi về phía mình và mỗi khi buồn chán, chúng ta không biết làm gì hơn ngoài phát điên lên.

Sự khác nhau ở tầm thường và phi thường chưa bao giờ nằm ở những ngày buồn chán. Nó nằm ở cách người ta đối diện với những ngày buồn chán đó.

Kẻ tầm thường thì kêu gào như một tên đói thuốc và sẵn sàng dốc mọi thứ vào để lấp đầy cuộc đời mình. Người phi thường thì dùng buồn chán như một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để suy nghĩ thấu đáo và đào sâu vào mọi thứ, trong đó có tiếng nói bên trong của chính mình. Họ không bao giờ kêu chán. Vì vậy, lũ ngu ngốc chúng ta tưởng rằng buồn chán là thứ dành riêng cho những kẻ tầm thường.

Rất tiếc, hầu hết chúng ta đều chỉ là một bọn tầm thường.

Ta chỉ là những con nghiện quá quen với hành động lấp đầy và trốn tránh sự buồn tẻ. Ta quen với cả một xã hội sợ hãi sự buồn tẻ y như mình.

Để trở nên bớt tầm thường hơn, ngoài chịu đựng cơn vật vã và ép buộc bản thân làm quen dần với sự buồn chán, ta chẳng có phương pháp nào nhẹ nhàng hơn cả.

Tin vui là bạn không tầm thường một mình. Tôi cũng thế.

Chẳng hay ho gì khi thừa nhận điều ấy. Nhưng có một tin vui khác nữa: luôn có thể tiến gần hơn tới sự phi thường, bằng cách đối xử với sự buồn tẻ khôn ngoan hơn.

Tôi từng thử nhiều cách. Dẹp smartphone và truyện tranh sang một bên, ngồi ngoài hiên với một tách trà và để đầu óc tự do nghĩ ngợi về bất kỳ thứ gì nó muốn.

Tôi cũng từng thử Thiền. Nếu không quá tôn thờ và lạm dụng nó thì Thiền cũng là một cách khá ổn.

Bạn có thể thử cho bản thân 15 phút không làm gì cả mỗi ngày xem sao? Chúng ta sẽ đặt tên nó là Buổi trà chiều của những kẻ buồn chán. Hãy nhớ tăng dần thời lượng Buổi trà chiều lên khi bạn bắt đầu yêu nó. Tin tôi đi, bạn sẽ nhận thấy tình yêu ấy sớm thôi. Trong Buổi trà chiều của bạn, hãy tập nhìn thẳng vào sự buồn tẻ và cảm nhận thật sâu sắc những tĩnh lặng và thanh thản mà nó mang lại.

Hoàn toàn có thể thay thế Buổi trà chiều bằng bất cứ thứ gì đó khác. Chỉ có bạn mới biết chính xác điều gì là phù hợp với mình.

Hãy coi mỗi giây buồn chán là một cơ hội để ta đối diện với bản thân mà không bị làm phiền. Tắt hết những âm thanh xung quanh, lắng nghe tiếng nói của lòng mình.

Trước đây, khi mà ta chỉ biết lấp đầy, cái gọi là "lòng mình" gần như trống rỗng. Lúc này, những Buổi trà chiều buồn tẻ là một điều cần thiết để ta có không gian nuôi nấng tiếng nói bên trong.

Tiếng nói bên trong càng khỏe mạnh, ta càng vui vẻ với những ngày buồn tẻ.

Tôi chờ mong con người phi thường trong bạn.

Nào, thưởng thức Buổi trà chiều của bạn thôi!

Không có nhận xét nào

Cảm ơn bạn đã để lại bình luận ^^!